Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đụng đâu cũng khó

Trong 10 tháng đầu năm 2023, số vụ ngộ độc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại tỉnh Quảng Nam đã tăng gấp 10 lần so với cả năm 2022.

Nguy cơ nhiều nhưng lực lượng thiếu và yếu

Đến hết tháng 10.2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã xử phạt tổng số tiền hơn 335 triệu đồng từ các vi phạm an toàn thực phẩm như: Không có Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến, vi phạm quy định về điều kiện bảo quản thực phẩm; các hành vi kinh doanh nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc…

an toàn thực phẩm đụng đâu cũng khó
Tiệm bánh mì Phượng 2 (Hội An) bị phạt 96 triệu đồng, đình chỉ 3 tháng vì gây ra vụ ngộ độc thực phẩm cho 313 người. Ảnh: Sở Y tế Quảng Nam

Cùng thời gian này, Quảng Nam xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng gấp 10 lần so với cả năm 2022 (1 vụ, 21 người ngộ độc). Trong đó, vụ ngộ độc cá chép làm chua tại huyện Phước Sơn làm 1 người chết; vụ ngộ độc bánh mì Phượng ở Hội An làm 313 người mắc.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nhận định, nguyên nhân các vụ ngộ độc đa phần do tập quán ăn uống của các hộ gia đình và tại các cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ. Các vụ ngộ độc này đã được điều tra, xử lý kịp thời, đúng quy định…

Ngành nông nghiệp cấp huyện tại Quảng Nam gặp khó trong việc thành lập đoàn kiểm tra VSATTP do thiếu cán bộ chuyên môn. Ảnh: Sở Y tế Quảng Nam

Điều đáng nói, đa số các vụ ngộ độc nguy hiểm đều xuất phát từ các cơ sở thực phẩm do cấp huyện quản lý nhưng việc thành lập đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp huyện đang trở ngại vì ngay lãnh đạo cấp phòng cũng không có chứng chỉ hoặc thiếu kiến thức để có thể xử lý vi phạm.

Trao đổi với Báo Lao Động, bà Lê Thị Hồng Cẩm – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, ở tuyến huyện còn khó khăn, việc bố trí nhân sự làm công tác an toàn thực phẩm chưa đúng chuyên môn, chuyên trách. Điều này dẫn đến chất lượng các cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại tuyến huyện, xã chưa được tiến hành thường xuyên, thậm chí bỏ sót.

Nguy cơ bỏ sót vi phạm

Hiện nay, tại Quảng Nam, dịch vụ ăn uống tuyến tỉnh quản lý có 403 cơ sở, tuyến huyện quản lý 7.979 cơ sở, thức ăn đường phố thuộc tuyến xã quản lý có 5.163 cơ sở. Đối với cơ sở sản xuất tuyến tỉnh có 192 cơ sở.

Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhiều và thường xuyên biến động nên khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc triển khai thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

Đặc biệt, việc quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm theo mùa cũng như loại hình dịch vụ nấu ăn lưu động tự phát hiện có rất nhiều tiềm ẩn, nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhưng vẫn chưa được kiểm soát.

Tại Hội nghị xúc tiến du lịch tuần qua, ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: “Khi kiểm tra môi trường du lịch, chúng tôi xem trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh tại những địa điểm du lịch của tỉnh. Các vụ ngộ độc thực phẩm tại Hội An vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch.

Trong khi đó, kiểm tra về ATTP đối với ngành du lịch rất khó vì chưa có quy định cụ thể, do vậy chúng ta cần có một đầu mối ở cấp tỉnh. Cũng cần thiết phải có cam kết giữa đơn vị kinh doanh thực phẩm, đơn vị cung ứng nguyên liệu, các nhà hàng, quán ăn tại các địa điểm du lịch” – ông Văn Bá Sơn nói.

Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0975 730 849

Website: https://atvstp.org.vn

Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/quan-ly-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-dung-dau-cung-kho-1267768.ldo

Viết một bình luận